• slide0
  • slide1
  • slide2
  • slide3
  • slide4
  • slide5

danh mục sản phẩm

Máy Tách Các Loại Hạt
Máy Tách Màu Nhựa Tái Chế
Máy Kiểm Tra X-ray
Máy Nén Khí
Máy Nén Khí Tích Hợp Biến Tần
Máy Đóng Gói Tự Động
Máy Phân Loại Thủy Sản
Máy Tách Màu Hạt Mè Vừng
Máy Tách Màu Hạt Cà Phê
Máy Tách Màu Hạt Tiêu
Máy Tách Màu Đậu
Máy Tách Màu Đa Năng
Máy Tách Màu Hạt Nhựa
Máy Tách Màu Băng Tải
Máy Tách Cẩng Chè
Máy Tách Màu Gạo
Máy Phân Loại Màu Hạt Điều
Máy Tách Màu Hạt Mắc Ca
Máy Tách Màu Hạt Bo Bo
Máy Tách Màu Khoáng Sản
Máy Tách Tạp Chất - Kích Thước - Tỷ Trọng (Model: 5XZC-5)
HỆ THỐNG TÁCH ĐÔI HẠT ĐẬU XANH
MÁY ĐÁNH BÓNG HẠT (ĐẬU, NGÔ....)

Hỗ trợ trực tuyến

Tin tức & Sự kiện

Kinh doanh cà phê: Khó nói cũng phải nói!

( 14-12-2015 - 09:04 AM ) - Lượt xem: 941

Giá cà phê đang trên đà giảm. Trong khi bên ngoài người ta vẫn có thể chơi trò nâng giá kiếm lời thì nông dân Việt Nam vẫn bị thông tin dẫn vào thế khó...

Thu hái cà phê. Ảnh: Nguyễn Quang Bình

 

Giá giảm dần mỗi năm

Giá một cân cà phê bữa rày chỉ còn 32.000 - 33.000 đồng. Kiểu ni chắc nông dân cà phê như bà với tui không sống nổi”, giọng Nghệ Tĩnh của một vị trung niên ngồi chung dãy ghế trong chuyến xe từ Bảo Lâm về Đà Lạt than vãn.

 

Đúng vậy, giá cà phê nhiều nơi ở Tây Nguyên từ mươi ngày nay như “chán không muốn lên”, 33-34 triệu đồng/tấn tại các trung tâm chế biến; ở nơi xa hơn còn rẻ nữa, chỉ 32 triệu đồng/tấn.

 

Vị khách cùng chuyến xe nhắc lại từng mốc giá cà phê một cách rành rọt, đầy tiếc nuối: “Từ bốn năm nay, cứ sau mỗi niên vụ, giá ở chỗ tui lại bị cắt cụt đi một miếng, từ 52 triệu đồng xuống còn 47 triệu đồng, rồi 42 triệu đồng (mỗi tấn) năm ngoái. Giờ thì chỉ còn 32 triệu đồng”.

 

Cà phê mỗi năm chỉ một vụ. Đầu mùa, khi giá tăng nông dân còn phấn khởi thu hái, nhưng nghe giá giảm là rầu đến “cả tàu không ăn cỏ”.

 

Cứ giá rớt là kêu mất mùa

Hợp tác xã cà phê bền vững Lâm Viên có trụ sở tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng là một trong vài hợp tác xã cà phê kiểu mới trên cả nước. Hợp tác xã này được tổ chức và kinh doanh minh bạch, bài bản. Xã viên tự nguyện góp vốn bằng sản lượng để làm ăn chung, tự bỏ tiền thuê giám đốc quản lý sản xuất kinh doanh.

 

Ghé thăm hợp tác xã vào một ngày cuối tháng 11-2015, nghe giá cà phê rớt xuống thấp, thấy ai cũng buồn rười rượi. Anh Trương Minh Phát, một thành viên ban quản trị, chở tôi trên chiếc xe gắn máy đi suốt một ngày mà vẫn chưa rảo hết các rừng cà phê ở Tân Châu và Đinh Trang Hòa - hai xã sản xuất cà phê trọng điểm của huyện. Giá thị trường giảm mất cả 10 triệu đồng mỗi tấn so với đúng thời điểm này năm ngoái. Nhiều người tỏ ra mất tự tin. Không ít vườn vẫn để trái nằm trên cây chưa buồn hái. Ai cũng cho rằng năm nay mất mùa.

 

Mất giá là khổ. Nhiều thông tin quá nhưng đôi khi lại trái ngược nhau khiến nhiều người càng lo, càng mất phương hướng. Thật vậy, hàng năm, cứ đến thời điểm này, thị trường đưa ra không biết bao nhiêu là dự báo về sản lượng, mỗi người nói một kiểu, khiến nông dân... “tẩu hỏa nhập ma”, đặc biệt trong lúc giá thấp như thế này!

 

Như mới đây, báo cáo thị trường cà phê của ngân hàng thương mại Rabobank (Hà Lan) ước sản lượng cà phê niên vụ 2015-2016 của Việt Nam (bắt đầu từ ngày 1-10-2015) đạt 28,4 triệu bao, tức trên 1,7 triệu tấn. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra con số 29,3 triệu bao tương đương gần 1,76 triệu tấn... Thậm chí trước đây, nhiều người còn đưa ra các con số lớn hơn: 1,8 hay 2 triệu tấn. Mỗi người tham gia có một cách nhìn thị trường, cách kinh doanh riêng nên đều tìm con số riêng cho họ. “Người mình” lại khác, không tự tìm mà chỉ nghe tin đồn, thấy giá xuống là than mất mùa. Suốt bốn năm nay, giá từ đỉnh 52 triệu đồng/tấn, không ai dám nói được mùa vì sợ nói ra giá sẽ xuống nữa thì sao!

 

Càng tin càng dễ mắc bẫy

Thật ra, các con số dự báo sản lượng không ai nắm chắc bằng nhà vườn. Tuy nhiên, nhà vườn lại ít chịu hỏi thăm chừng năm bảy đồng nghiệp của mình ở nhiều vùng trồng cà phê khác nhau xem thử năm này được mùa hay mất mùa, xem sản lượng cà phê to hay nhỏ, nhằm định hướng cách mua bán cho riêng mình. Còn khi nghe và tin số liệu của người khác, theo những nhận định của họ để quyết định mua bán thì không bị dẫn dắt vào bẫy kinh doanh bầy đàn mới lạ.

 

Thông tin sản lượng đôi khi chỉ là một yếu tố nhỏ để cấu thành giá trên thị trường. Nông dân mình ít để ý chuyện trên thị trường có nhiều tay kinh doanh hay bất ngờ nhận định tình hình được mùa, mất mùa với dụng ý riêng để làm giá trong một giai đoạn nào đó có lợi cho họ.

 

Vào thời điểm này năm ngoái, tự nhiên có tin Brazil - nước sản xuất và xuất khẩu cà phê số 1 thế giới - bị hạn hán trầm trọng. Thế là giá cà phê trên sàn kỳ hạn London, nơi cà phê robusta thường dùng làm giá tham chiếu, “bùng” lên trên 2.100 đô la Mỹ/tấn. Ở mức ấy, những người tung tin đã mạnh tay bán để giải quyết hàng tồn kho của họ mua từ Brazil. Phản ứng với cùng một thông tin, Brazil bán mạnh còn người mình lại mua hàng tồn trữ. Để tới cuối niên vụ 2014-2015 chấm dứt vào ngày 30-9, Brazil xuất khẩu cà phê với mức kỷ lục chưa từng có là 36,3 triệu bao; còn doanh nghiệp Việt Nam lại mua trữ cà phê, xuất khẩu chỉ 1,26 triệu tấn, giảm so với 1,6 triệu tấn của một năm trước đó (theo Tổng cục Thống kê), nhiều người đã thua lỗ nặng. Giá kỳ hạn đến cuối tháng 11-2015 chỉ còn quanh mức 1.520 đô la/tấn, mất gần 600 đô la/tấn so với thời kỳ này năm trước.

 

Hiện nay, thông tin khá phổ biến cho rằng thế giới vẫn thiếu hụt cà phê do hạn hán, mất mùa, El Niño... Nói vậy nhưng ít đưa dẫn chứng cho nông dân biết rằng dù Brazil mất mùa nhưng họ vẫn xuất khẩu đạt mức kỷ lục, và cớ sao nói thiếu hàng nhưng giá trên thị trường kỳ hạn vẫn rớt tơi tả (chỉ tính từ tháng 7-2015 đến nay giá kỳ hạn robusta mất đến gần 300 đô la Mỹ)?

 

Sản xuất để xuất khẩu hay tích trữ?

Trước đây, tồn kho trên sàn kỳ hạn London hầu như là cà phê do Việt Nam cung cấp, còn nay, tuyệt đại bộ phận là từ Brazil. Gần đây, khi chủ kho của sàn tại châu Âu quyết định phạt tiền lưu kho hàng để lâu, các chủ hàng bắt đầu đua bán, giảm giá ngay khi nước ta đang vào mùa. Lượng hàng tồn kho thuộc sàn kỳ hạn London thường là để chủ hàng làm giá trên sàn, nay bị áp dụng phạt tiền, cơ hội tích trữ giảm, áp lực giải phóng tồn kho tăng lên.

 

Có lẽ không có mấy nước thoải mái như Việt Nam: sản xuất cà phê chủ yếu để xuất khẩu (vì tiêu thụ trong nước rất ít) nhưng lại cho doanh nghiệp trong và ngoài nước mở kho trữ cà phê tự do. Sức chứa hiện nay của các kho có thể đã ngang bằng hay hơn sản lượng cà phê trong nước! Sản xuất hàng xuất khẩu nhưng không yêu cầu người mua mang nhanh ra thị trường để xoay mua vòng mới mà lại ủng hộ tích trữ! Với cách này, vô hình trung chúng ta đã tạo điều kiện cho khách ngoại mua bán theo kiểu ăn chênh lệch. Một mặt, họ hô hào ngoài kia mất mùa, thị trường nội địa ém hàng, không có hàng xuất thực hiện hợp đồng. Những người có hàng trong tay thì chỉ cần lời vài đô la là họ có thể mua bán lòng vòng trong kho, làm đội giá thành trong nước, ngăn cản dòng xuất khẩu. Còn giao hàng cho người thứ ba thì họ dùng cà phê mua từ nước khác.

 

Nên chăng hàng cà phê lưu kho tại nội địa Việt Nam, dù đã nhập vào kho ngoại quan, cần khuyến khích hay có biện pháp xuất hàng ra khỏi nước trong một thời hạn ngắn nhất có thể. Nếu không, hàng cà phê Việt Nam dần dần sẽ bị người mua cuối cùng lãng quên, loại khỏi công thức rang xay và bị mất thị phần từ đó.

 

Khó khăn còn dài dài

Hầu như nhiều người vẫn chưa biết các nước sản xuất cà phê cạnh tranh với Việt Nam gồm Colombia, Brazil, kể cả Indonesia đã và đang hoàn thành chương trình tái canh, sản lượng của họ ngày càng lớn một cách vững chắc. Cộng với đồng nội tệ của ba nước ấy phá giá liên tục (Colombia và Brazil có khi 60-70% tính từ một năm nay; Indonesia cũng từ 25-30%) nên nông dân bán cà phê nội địa của họ vẫn có lời. Trong khi đó, tỷ giá tiền đồng so với đô la Mỹ đang làm đau đầu nhà sản xuất và kinh doanh cà phê Việt Nam.

 

Một dự báo mới đây cho biết trong năm 2016, tỷ giá đồng Việt Nam với đô la Mỹ sẽ giảm 3-4%. Mức phá giá ấy không bõ bèn gì để hạt cà phê Việt Nam cạnh tranh nổi trên thị trường thế giới. Vài tháng tới, khi thu hoạch cà phê ở trong nước ngày càng rộ, khó khăn về xuất khẩu vẫn còn dài dài và giá nội địa xem chừng cũng khó lên nếu không có đột phá trong chính sách tiền tệ hay khuyến khích xuất khẩu.

 

Nhiều nông dân trồng cà phê đang tính toán sẽ tiếp tục ôm hàng cố thủ nếu giá thấp. Đó là sự quay lại của một quá khứ đau buồn. Đó cũng là chuyện khó nói nhất hiện nay với người sản xuất cà phê.

 

Nguyễn Quang Bình (thesaigontimes.vn)

Các đối tác

Copyright © 2015. Cotamngaynay.vn. Design by Nina.vn